Những điều cần biết về nôn do điều trị hóa chất chống ung thư
Người bệnh không thể ăn uống và đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp cho hồi phục sức khỏe sau khi truyền hóa chất, để chuẩn bị sẵn sàng cho đợt điều trị tiếp theo.
Tình trạng nôn kéo dài có thể gây ra rối loạn nước và điện giải, suy dinh dưỡng khiến bệnh nhân trở nên suy kiệt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dễ gây tâm lý căng thẳng có thể dẫn tới trầm cảm trong quá trình điều trị hoá chất.
Một số bệnh nhân còn không thể và không muốn trở lại điều trị các đợt tiếp theo.
Những thời điểm bệnh nhân có thể buồn nôn và nôn trong điều trị hóa chất:
- Nôn cấp tính: Có thể xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 giờ từ khi bắt đầu truyền hóa chất.
– Nôn muộn: Xảy ra sau 24 giờ sau khi truyền hóa chất.
– Nếu dấu hiệu buồn nôn, nôn xuất hiện ngay từ trước khi truyền hóa chất, đó có thể liên quan đến yếu tố tâm lý của bạn quá lo lắng hoặc bị ám ảnh bởi tình trạng nôn trong đợt điều trị trước đó.
Các yếu tố và nguy cơ có thể gây nôn và buồn nôn trong quá trình điều trị hóa chất:
- Về loại hóa chất: Không phải tất cả các loại hóa chất đều có thể gây buồn nôn và nôn. Tùy thuộc vào nguy cơ gây nôn của các loại thuốc sử dụng trong phác đồ hóa chất dành cho bệnh nhân, bác sỹ sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống nôn phù hợp.
- Về liều thuốc: liều cao dễ gây buồn nôn và nôn hơn các liều trung bình và liều thấp
- Về đường dùng thuốc: tiêm tĩnh mạch có thể gây buồn nôn và nôn nhanh hơn nhiều so với thuốc được cung cấp qua đường miệng. Điều này là do thuốc hấp thụ nhanh hơn qua đường tĩnh mạch.
- Về Sự khác biệt cá nhân: không phải mọi người sẽ có phản ứng tương tự với liều hoặc loại hoá trị liệu như nhau. Nghĩa là với cùng một loại và cùng một liều hóa chất thì mức độ gây nôn có thể khác nhau ở từng bệnh nhân.
- Một số yếu tố nguy cơ cá nhân có thể khiến bạn buồn nôn và nôn bao gồm:
• Giới: nữ.
• Độ tuổi: dưới 50 tuổi.
• Tiền sử: Có bị ốm nghén trong thời kỳ mang thai, đã từng bị say tàu xe.
• Tâm lý: Cảm thấy rất lo lắng khi có quyết định điều trị hoá chất.
Những việc bạn có thể làm để dự phòng, giảm nhẹ tình trạng buồn nôn, nôn trong quá trình điều trị hóa chất
- Tuân thủ sử dụng các loại thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ
- Thông báo với bác sĩ điều trị về sự hiệu quả của thuốc chống nôn.
- Lựa chọn chế độ ăn phù hợp:
· Chia nhỏ các bữa ăn thành 5-6 bữa hàng ngày
· Có thể chọn các món ăn khô như lương khô, hạt điều, bánh mì
· Tránh ăn trứng, thức ăn khó tiêu, đầy hơi, nhiều dầu mỡ.
· Đảm bảo lượng nước uống hàng ngày
· Tránh cà phê và thuốc lá
· Không nằm nghỉ hay tập thể dục trong khoảng 2h sau bữa ăn
· Nếu bạn nôn, hãy ngừng ăn. Sau khi ngừng nôn, giảm đc cảm giác buồn nôn, có thể uống một ít nước gừng, nước hoa quả ít ngọt, sữa đậu, nước gạo rang… Nếu sau 1 tiếng cảm thấy dễ chịu hơn, có thể sử dụng các món ăn mềm như cháo, bánh mì, chuối, thạch… trước khi trở lại với các món ăn bình thường.
Khi nào cần đến bệnh viện hỗ trợ?
Buồn nôn, nôn mức độ nặng khiến bạn không thể ăn, uống được và mệt mỏi nhiều.
– Dấu hiệu nôn kèm theo đau đầu dữ dội, choáng ngất, mệt thỉu, tụt huyết áp là những dấu hiệu đáng ngại, cần thiết phải liên lạc ngay với bác sỹ điều trị và nhập viện.
– Buồn nôn, nôn đã dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ nhưng không cải thiện.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp đỡ được quý vị trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Cảm ơn mọi người đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi.